Bản tin pháp lý tháng 04/2014

I. BẤT ĐỘNG SẢN
Quy định hướng dẫn về hợp đồng mua bán nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thương mại ký với chủ đầu tư.
Ngày 20/2/2014, Bộ xây dựng ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 1/9/2010 của Bộ Xây dựng quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở. Theo đó:

Đối với hợp đồng mua bán nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải lập thành 04 (bốn) bản và hợp đồng mua bán nhà ở này có giá trị pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ của bên mua nhà ở trong suốt quá trình quản lý, sử dụng nhà ở đã mua kể cả trường hợp bên mua nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thương mại ký với chủ đầu tư thì ngoài các nội dung quy định tại Điều 93 Luật nhà ở, Bộ luật Dân sự, Điều 63 Nghị định số 71/2010/ NĐ-CP, thì các bên còn phải ghi rõ thêm các nội dung sau và tuân thủ hợp đồng mẫu quy định:

 Phần diện tích thuộc sở hữu, sử dụng chung, phần diện tích thuôc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;
 Diện tích sàn xây dựng căn hộ;
 Diện tích sử dụng căn hộ (diện tích thông thủy) để tính tiền mua căn hộ;
 Khoản kinh phí bảo trì 2% tiền bán nhà ở;
 Mức phí và nguyên tắc điều chỉnh mức phí quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp chưa thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/4/2014.

II. LAO ĐỘNG
Quy định hướng dẫn cấp phép sử dụng lao động nước ngoài.
Ngày 20/1/2014 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 5/9/2013 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo quy định tại Thông tư này thì người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến tuyển người lao động nước ngoài. Trường hợp đã được chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài mà có thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải nộp trực tiếp báo cáo giải trình điều chỉnh, bổ sung trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến tuyển mới, tuyển thêm hoặc tuyển để thay thế người lao động nước ngoài tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình điều chỉnh, bổ sung nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của người sử dụng lao động.

Ngoài ra Thông tư hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép lao động.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/3/2014, thay thế Thông tư số 31/2011/TT-BLĐTBXH ngày 3/11/2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

III. ĐẦU TƯ
Quy định hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam

Ngày 12/3/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 05/2014/TT-NHNN quy định hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam, thay thế Thông tư số 03/2004
/TT-NHNN ngày 25/5/2004 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo quy định tại Thông tư, đối với mọi hoạt động đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thông qua 01(một) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp mở tại 01(một) ngân hàng được phép (ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh và hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật).

Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu chi liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Số dư trên tài khoản tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư này áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam và không áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài là người cư trú là tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 28/4/2014. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm thực hiện việc chuyển đổi tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam theo quy định.

IV. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
Quy định mới về mức lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng

Ngày 17/3/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07/2014/TT-NHNN quy định về mức lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng.

Theo quy định mới thì mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) được áp dụng kể từ ngày 18/03/2014 như sau:

- Đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: áp dụng mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với loại hình tiền gửi tương ứng do Thống đốc Ngân hàng nhà nước quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng

- Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên: áp dụng mức lãi suất dựa trên trên cơ sở cung – cầu vốn của thị trường.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi quy định tại Thông tư này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2014. Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng phát sinh trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành được thực hiện cho đến hết thời hạn, trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận mà tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi thì tổ chức tín dụng sẽ áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư này thay thế thông tư số 15/2013/TT-NHNN ngày 27/6/2013 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tin Pháp Lý này của hãng luật chúng tôi nhằm cung cấp các thông tin pháp lý chung cho mục đích tham khảo, không phải là bảng tư vấn hay ý kiến pháp lý chuyên nghiệp của hãng luật chúng tôi. Nội dung các thông tin có thể không đầy đủ, chính xác, cập nhật kịp thời tại thời điểm bạn xem. Hãng luật chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ thiệt hại phát sinh từ hoặc do Tin Pháp Lý này. Vui lòng liên lạc trực tiếp với hãng luật chúng tôi hoặc tìm kiếm các ý kiến tư vấn chuyên nghiệp phù hợp với những vấn đề mà bạn đang quan tâm.