Bản tin pháp lý tháng 06/2014

I. BẤT ĐỘNG SẢN
Quy định mới về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Ngày 25/4/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây Dựng, Bộ Tư Pháp và Bộ Tài nguyên môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/06/2010 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở. Theo đó:

Loại nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp vay vốn bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, cụ thể gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ (gồm nhà biệt thự, nhà liền kề) được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp vay vốn tại tổ chức tín dụng phải đáp ứng đủ điều kiện sau:

 Đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán và có hợp đồng mua bán ký kết với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;

 Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;

 Thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà dự án này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bên thế chấp chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại một tổ chức tín dụng để vay vốn mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra Thông tư quy định cụ thể về hồ sơ thế chấp, thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/6/2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-TTNMT-NHNN ngày 21/05/2007.

II. THUẾ
Quy định mới hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
Ngày 31/3/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính Phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Thông tư này có những nội dung đáng lưu ý sau:

Không còn quy định về hóa đơn xuất khẩu. Do đó khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài phải sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) hoặc hóa đơn bán hàng (đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp và doanh nghiệp trong khu phi thuế quan). Từ ngày 1/6/2014, cơ quan thuế không tiếp nhận Thông báo phát hành hóa đơn xuất khẩu.

Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ kể từ khi có mã số thuế từ 15 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn được tạo hóa đơn tự in (trước đây quy định từ 1 tỷ đồng trở lên).

Doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 1/6/2014 có vốn điều lệ dưới 15 tỷ đồng là doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ có thực hiện đầu tư mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị tại thời điểm thông báo phát hành hóa đơn được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nếu có đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư.

Đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế phải chuyển sang mua hóa đơn có thời hạn của cơ quan thuế nhưng không mua hóa đơn đặt in của cơ quan thuế thì doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in đưới hình thức như sau: Doanh nghiệp vào Trang Thông tin điện tử của cơ quan thuế (Tổng cục Thuế hoặc Cục thuế) và sử dụng phần mềm tự in hóa đơn của cơ quan thuế để lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Có thêm 3 đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế gồm:
 Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu.

 Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế;

 Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hoá đơn của cơ quan thuế phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đang sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in trước ngày 1/6/2014 nếu không thuộc đối tượng chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế từ ngày 1/6/2014 thì vẫn thuộc đối tượng được tạo hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in.

Đối với hóa đơn đặt in, tự in doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã thực hiện Thông báo phát hành theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính thì được tiếp tục sử dụng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014 và thay thế thông tư số 64/2013/TT-/BTC ngày 15/5/2013.

III. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
Quy định về bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng thương mại
Ngày 22/4/2014, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 03/2011/QĐ-Ttg ngày 10/1/2011 của Thủ tướng chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại Ngân hàng thương mại.

Theo quy định tại Thông tư này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là đơn vị bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tại các Ngân hàng thương mại.

Điều kiện để Doanh nghiệp vừa và nhỏ được bảo lãnh vay vốn gồm:
 Dự án đầu tư của doanh nghiệp có văn bản chấp thuận cho vay của ngân hàng thương mại và được Ngân hàng Phát triển thẩm định và xác định là dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay.

 Có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 15% tổng mức đầu tư của dự án và được đầu tư toàn bộ vào tài sản cố định, nguồn vốn này phải được phản ánh trên báo cáo tài chính tháng hoặc quý gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ đề nghị bảo lãnh và cam kết sử dụng vào dự án.

 Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng cũng như tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Phạm vi bảo lãnh vay vốn: Ngân hàng Phát triển bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại nhưng tối đa không vượt quá 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án, không bao gồm vốn lưu động.

Trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam trả nợ thay, doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ phương án sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp quyết định thời hạn trả nợ bắt buộc. Lãi suất nhận nợ bắt buộc bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn áp dụng đối với tổ chức kinh tế của ngân hàng thương mại nhận bảo lãnh đối với khoản cho vay cùng kỳ hạn tại thời điểm nhận nợ bắt buộc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2014

IV. CƯ TRÚ
Quy định mới về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 18/4/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú.

Theo quy định tại nghị định này, công dân đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng các điều kiện sau:

 Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương

 Có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc trung ương từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; từ hai năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

 Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại

Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.
Thời hạn đăng ký thường trú là 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và thỏa mãn các điều kiện đăng ký thường trú. Thời hạn đăng ký thường trú cho trẻ em là 60 ngày kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2014, thay thế Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 24/5/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP.

Tin Pháp Lý này của hãng luật chúng tôi nhằm cung cấp các thông tin pháp lý chung cho mục đích tham khảo, không phải là bảng tư vấn hay ý kiến pháp lý chuyên nghiệp của hãng luật chúng tôi. Nội dung các thông tin có thể không đầy đủ, chính xác, cập nhật kịp thời tại thời điểm bạn xem. Hãng luật chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ thiệt hại phát sinh từ hoặc do Tin Pháp Lý này. Vui lòng liên lạc trực tiếp với hãng luật chúng tôi hoặc tìm kiếm các ý kiến tư vấn chuyên nghiệp phù hợp với những vấn đề mà bạn đang quan tâm.