Các thủ tục và quy định về việc hồi hương

1. Thủ tục đăng ký công dân
Đăng ký công dân là việc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ghi vào sổ đăng ký công dân những chi tiết về nhân thân, hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu, nghề nghiệp, địa chỉ thường trú, địa chỉ liên hệ của công dân Việt Nam trong khu vực do cơ quan đại diện Việt Nam quản lý. Việc đăng ký công dân nhằm giúp cơ quan đại diện thống kê công dân trong khu vực lãnh sự, là cơ sở để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, đồng thời cũng là thủ tục bắt buộc trước khi giải quyết những vấn đề thuộc chức năng lãnh sự cho ho (cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, hợp pháp hoá lãnh sự, đăng ký khai sinh, công chứng - chứng thực…)
Hồ sơ gồm:
Đối với công dân mang hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu do Việt Nam cấp:
- Phiếu đăng ký công dân (xem mẫu đính kèm)
- 02 ảnh cỡ 4x6 cm (01 ảnh dán vào phiếu đăng ký công dân, 01 ảnh ghi họ tên phía sau nộp kèm hồ sơ)
- Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (mang theo bản chính để đối chiếu)
Đối với công dân Việt Nam mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu của nước ngoài
- Phiếu đăng ký công dân
- 02 ảnh cỡ 4x6 cm (01 ảnh dán vào phiếu đăng ký công dân, 01 ảnh ghi họ tên phía sau nộp kèm hồ sơ)
- Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp (mang theo bản chính để đối chiếu)
- Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh nhân thân hay sơ yếu lý lịch để xác minh quốc tịch và nhân thân của đương sự.
Cơ quan giải quyết: cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán…)
Thời gian giải quyết:
Lệ phí:
Lưu ý: những người đã làm thủ tục đăng ký công dân thì có thể xin cấp Giấy xác nhận đăng ký công dân. Giấy xác nhận đăng ký công dân có giá trị từ 01 đến 03 năm kể từ ngày cấp – tuỳ theo đối tượng được cấp mà thời hạn có giá trị của giấy xác nhận là khác nhau.

2. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam
Hồ sơ lập thành 02 bộ gồm:
- Đơn xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam (xem mẫu đính kèm)
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Lưu ý: Thời hạn sử dụng của chứng minh thư nhân dân: là không quá 15 năm từ ngày cấp; thời hạn sử dụng của hộ chiếu là 5 năm kể từ ngày cấp, không có dấu hiệu cạo sửa, không rách rời chắp vá…
Trong trường hợp không có chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu thì phải nộp bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây để chứng minh có quốc tịch Việt Nam:
- Giấy tờ chứng minh đương sự được nhập quốc tịch Việt Nam
- Giấy tờ chứng minh được trở lại quốc tịch Việt Nam
- Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài
- Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam cấp.
- Sổ hộ khẩu
- Thẻ cử tri mới nhất
- Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; hoặc của một trong hai người cha hoặc mẹ.
- Giấy khai sinh
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đương sự là người có quốc tịch Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia
Nếu không có một trong các giấy tờ thay thế nói trên để chứng minh quốc tịch Việt Nam của mình thì có thể nộp bản khai danh dự về ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quê quán, nơi cư trú của bản thân; họ tên, tuổi, quốc tịch, nơi cư trú của cha mẹ và nguồn gốc gia đình. Bản khai này phải được ít nhất hai người biết rõ sự việc để làm chứng và được UBND cấp xã nơi đương sự sinh ra xác nhận.
Cơ quan giải quyết: nếu ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; nếu ở trong nước thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp cấp tỉnh, thành phố.
Thời gian giải quyết:
Lệ phí: 500,000 đồng.
3. Thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam
Cơ sở pháp lý: Luật Quốc tịch; Nghị định
Điều kiện để được xét cho nhập quốc tịch Việt Nam:
a. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo qui định của pháp luật Việt Nam
b. Tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
c. Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng xã hội
d. Đã thường trú ở Việt Nam từ năm năm trở lên
e. Có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam
Tuy nhiên người xin nhập quốc tịch Việt nam có thể được xem xét cho nhập quốc tịch mà không cần các điều kiện c, d, e nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Là vợ, chồng, con, cha hoặc mẹ của công dân Việt Nam
- Có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
- Có lợi cho nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chuẩn bị hồ sơ: làm 4 bộ hồ sơ, gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn xin nhập quốc tịch (theo mẫu do Bộ Tư pháp qui định)
- Bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế. Nếu xin nhập quốc tịch cho cả con chưa thành niên thì nộp thêm bản sao Giấy khai sinh của đứa trẻ.
- Bản khai lý lịch theo mẫu do Bộ Tư pháp qui định
- Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nơi đương sự thường trú cấp; trong trường hợp đương sự không thường trú ở Việt Nam thì nộp phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà đương sự là công dân hoặc thường trú cấp.
- Giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt, bao gồm cả hiểu biết về văn hoá, lịch sử và pháp luật của Việt Nam theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp
- Giấy xác nhận về thời gian đã thường trú liên tục ở Việt Nam do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đương sự thường trú cấp. Nếu trước đây đương sự thường trú ở địa phương khác thì cần nộp thêm giấy xác nhận về số thời gian đã thường trú do Uỷ ban nhân dân cấp xã của địa phương đó cấp.
- Giấy xác nhận về chỗ ở, việc làm, thu nhập hợp pháp hoặc tình trạng tài sản tại Việt Nam do Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đương sự thường trú cấp
- Bản cam kết về việc từ bỏ quốc tịch nước ngoài (nếu có) khi được nhập quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp mặc nhiên mất quốc tịch nước ngoài khi được nhập quốc tịch Việt Nam thì bản cam kết trên sẽ được thay bằng giấy xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà đương sự là công dân với nội dung: “pháp luật nước đó qui định mặc nhiên mất quốc tịch trong trường hợp này”.
Trong trường hợp đặc biệt, nếu người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ lại quốc tịch nước ngoài của mình thì không phải nộp bản cam kết nói trên, nhưng phải làm đơn xin giữ lại quốc tịch nước ngoài theo mẫu do Bộ Tư pháp qui định. Trong đơn phải nêu rõ lý do xin giữ lại quốc tịch nước ngoài và cam kết việc giữ quốc tịch nước ngoài không cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam.
Cơ quan liên hệ giải quyết:
- Ở trong nước: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn đương sự hoàn tất hồ sơ, nhận hồ sơ, thu lệ phí và chuyển cho các cơ quan chức năng khác phối hợp giải quyết.
- Ở ngoài nước: Cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam đặt tại nước sở tại chỉ nhận hồ sơ để chuyển cho cơ quan chức năng giải quyết về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp cá biệt, tức người xin nhập quốc tịch mang lại lợi ích đặc biệt cho sự phát triển của Việt Nam.
Thời hạn giải quyết đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam tối đa là 12 tháng kể từ ngày đương sự nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí: 2,000,000 VNĐ/hồ sơ.
Lưu ý:
Công dân nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam thì không còn giữ quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định. Ngoài ra, người xin nhập quốc tịch cũng phải chọn trước cho mình một tên tiếng Việt và ghi rõ tên gọi đó trong đơn xin nhập quốc tịch.
Trường hợp nào được miễn giảm các điều kiện khi xin nhập quốc tịch Việt Nam?
Trong một số trường hợp đặc biệt, người có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được cho miễn, giảm một số các điều kiện, đó là các trường hợp sau:
- Người có chồng, vợ, cha, mẹ hoặc con là công dân Việt Nam; người có huân chương, huy chương, danh hiệu cao quý do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng hoặc có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thì được giảm 02 năm về điều kiện thời gian đã thường trú liên tục ở Việt Nam và được miễn các điều kiện về biết Tiếng Việt và khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam
- Trường hợp cá biệt: Nếu xét thấy việc nhập quốc tịch Việt Nam của người nước ngoài sẽ có lợi đặc biệt cho sự phát tiển kinh tế, xã hội, khoa học, an ninh quốc phòng của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ xét miễn cho đương sự các điều kiện về thời gian đã thường trú ở Việt Nam, biết tiếng Việt và khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam
Lưu ý: những người được miễn, giảm về điều kiện trong các trường hợp nói trên thì không phải nộp các giấy tờ tương ứng nhưng phải nộp những giấy tờ làm cơ sở chứng minh người đó thuộc đối tượng được miễn, giảm theo luật định.

4. Việc học hành tại Việt Nam và thủ tục chuyển trường học cho con cái người hồi hương
Theo qui định về chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGD & ĐT ngày 25 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì học sinh Việt Nam đã định cư ở nước ngoài nay về lại Việt Nam vẫn được tạo điều kiện để tiếp tục việc học tập tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ở trong nước.
Những điều kiện cần đáp ứng khi muốn chuyển về học tệp tại các trường trong nước:
Điều kiện về văn bằng:
a. Đối với học sinh vào học tại trường Trung học Cơ sở của Việt Nam (từ lớp 6 đến lớp 9) thì cần phải có học bạ của các lớp học trước đó cùng với xác nhận của nhà trường (cũ) ở nước ngoài về việc chuyển lên lớp học trên
b. Đối với học sinh vào học tại trường Trung học Phổ thông của Việt Nam (từ lớp 10 đến lớp 12) thì phải có Văn bằng hoặc Chứng chỉ tốt nghiệp Trung học Cơ sở tương đương Bằng Tốt nghiệp Trung học Cơ sở của Việt Nam.
c. Riêng đối với trường hợp học sinh trước đây đã có thời gian học ở Việt Nam sau đó ra nước ngoài định cư, nay lại theo cha mẹ hồi hương thì khi chuyển về học trong nước phải có bằng tốt nghiệp của bậc học đã học tại Việt Nam trước khi xuất cảnh.
Điều kiện về tuổi:
Học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước năm xin học được gia hạn thêm một tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học.
Điều kiện về chương trình học tập:
- Chương trình học tập ở nước ngoài phải có nội dung tương đương với chương trình giáo dục của Việt Nam với những môn học thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Với những môn học thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải bổ túc thêm kiến thức cho phù hợp với chương trình giáo dục của Việt Nam.
- Những học sinh đang học dở chương trình của một lớp học ở nước ngoài xin chuyển về học tiếp lớp học tương đương tại trường Trung học cơ sở hoặc Trung học Phổ thông Việt Nam phải được nhà trường nơi tiếp nhận kiểm tra trình độ theo chương trình quy định của lớp học đó.
- Học sinh muốn vào học tại các Trường Trung học Chuyên biệt như: trường chuyên, trường Năng khiếu,…) thì thực hiện theo Quy chế của trường chuyên biệt đó.
Chuẩn bị hồ sơ xin chuyển trường:
- Đơn xin học (do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký)
- Học Bạ (bản gốc và bản dịch sang tiếng việt).
- Giấy chứng nhận tốt nghiệp của lớp hoặc bật học dưới tại nước ngoài (bản gốc và bản dịch sang tiếng việt).
- Bằng tốt nghiệp bậc học dưới tại việt nam trước khi ra nước ngoài (nếu có).
- Bản sao giấy khai sinh, kể cả học sinh được sinh ra ở nước ngoài.
- Hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận tạm trú dài hạn của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
- Sở Giáo dục và Đào tạo giải quyết việc xin vào học (tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường) đối với Bậc Trung học Phổ thông;
- Phòng Giáo dục và đào tạo tại các quận, huyện giải quyết cho học sinh vào học (tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường) đối với Bậc Trung học Cơ sở.
- Đối với những học sinh đang học dở chương trình của một lớp học ở nước ngoài xin chuyển về học tiếp lớp học tương đương tại trường Trung học cơ sở hoặc Trung học Phổ thông Việt Nam, thì nhà trường tổ chức kiểm tra trình độ học sinh. Với những môn học không có theo chương trình giáo dục của Việt Nam thì nhà trường yêu cầu học sinh phải hoàn thành nội dung của môn học đó và có kiểm tra sau khoá học.
Thủ tục đăng ký khai sinh cho con sinh ra tại Việt Nam?
Theo Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Thông tư 12/1999/TT-BTP ngày 25/6/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số qui định của Nghị định 83 thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi người mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi trẻ em sinh ra. Trong trường hợp người mẹ hiện không có hộ khẩu thường trú do đã cắt chuyển hộ khẩu ở nơi thường trú cũ nhưng chưa đủ điều kiện, thủ tục để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi thực tế đang cư trú thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra trong thời gian này được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người mẹ đăng ký tạm trú có thời hạn.
Thủ tục đăng ký khai sinh như sau:
Người đi khai sinh nộp Giấy chứng sinh do cơ sở Y tế nơi trẻ em sinh ra cấp và xuất trình các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ (nếu có)
- Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy đăng ký tạm trú của người mẹ.
- Chứng minh nhân dân của người đến khai sinh
Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú – tức cha mẹ chưa có đăng ký kết hôn thì trong giấy khai sinh sẽ để trống phần khai về cha hoặc mẹ nếu chưa xác định được. Khi có người nhận làm cha hoặc mẹ của trẻ thì căn cứ vào Quyết định công nhận việc cha/ mẹ nhận con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cán bộ hộ tịch tư pháp sẽ ghi tên của người được công nhận là cha/ mẹ vào trong Giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của người con. Trong thực tế khi giải quyết việc đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu tại thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận làm cha/ mẹ của trẻ thì cán bộ hộ tịch tư pháp sẽ hướng dẫn cho người đó cùng lúc làm thủ tục xin đăng ký việc nhận cha, mẹ, con; đồng thời ghi luôn tên của người cha hoặc mẹ đã nhận con vào Giấy khai sinh của trẻ em.
Lưu ý: thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ em là không quá 30 ngày kể từ ngày trẻ em được sinh ra; riêng đối với các khu vự miền núi, vùng sâu, vùng xa thì thời hạn này là không quá 60 ngày.
Lệ phí: 20,000 đồng.

Tôi có chồng là người nước ngoài, tôi sắp hồi hương về Việt Nam. Xin hỏi sau khi hồi hương nếu tôi sinh con thì con tôi có thể có hai quốc tịch không? Đăng ký khai sinh như thế nào?
Theo qui định tại điều 17 Luật Quốc tịch thì trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Đối chiếu với trường hợp bạn hỏi, con của bạn có thể có quốc tịch Việt Nam nếu như khi đăng ký khai sinh cho trẻ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, bạn xuất trình được văn bản thoả thuận của bạn và chồng bạn về việc chọn quốc tịch Việt Nam làm quốc tịch cho con. Văn bản này phải được cơ quan có thẩm quyền của nước mà cha đứa trẻ là công dân xác nhận rằng việc lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con là phù hợp với pháp luật nước đó.
Việc con của bạn có thể cùng một lúc mang hai quốc tịch Việt Nam và nước ngoài hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào việc pháp luật của nước mà cha của trẻ là công dân có cho phép một người có hơn một quốc tịch. Nếu được chấp thuận thì sau khi đăng ký khai sinh và chọn quốc tịch Việt Nam cho trẻ, vợ chồng bạn mới tiếp tục làm thủ tục đăng ký quốc tịch nước ngoài cho trẻ tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong trường hợp pháp luật nước ngoài không cho phép một người có hơn một quốc tịch thì vợ chồng bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định việc chọn quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài làm quốc tịch của trẻ.
Do nguyên tắc một quốc tịch của Luật Quốc tịch việt Nam nên nếu muốn con mình vừa mang quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài thì bạn cần lưu ý phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ đồng thời thoả thuận việc chọn quốc tịch Việt Nam trước. Sau khi trẻ đã có quốc tịch Việt Nam thì mới cho trẻ nhập thêm quốc tịch khác nếu có được sự đồng ý của quốc gia tiếp nhận. Ngược lại, nếu bạn cho trẻ nhập quốc tịch nước ngoài trước thì trẻ sẽ không thể có cùng lúc hai quốc tịch được, vì khi xin nhập tịch Việt Nam, người xin nhập tịch buộc phải xin thôi quốc tịch nước ngoài.
Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam đang thường trú trong nước còn người kia là công dân nước ngoài được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của công dân Việt Nam. Trong trường hợp bạn đã hồi hương nhưng chưa có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, chỉ có đăng ký tạm trú có thời hạn thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi bạn đăng ký tạm trú có thời hạn sẽ cấp đăng ký khai sinh cho con bạn.
Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cha và mẹ (nếu có).
- Sổ hộ khẩu gia đình của bạn
- CMND, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ của người đi đăng ký khai sinh
- Văn bản thoả thuận giữa cha và mẹ trẻ về việc chọn quốc tịch cho con. Nếu cha mẹ nhất trí chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch nước ngoài cho con là phù hợp với pháp luật nước đó. Văn bản xác nhận phải được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng theo qui định của pháp luật Việt Nam.
Thời gian giải quyết cấp Giấy chứng nhận đăng ký khai sinh cho trẻ là không quá 7 ngày kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nhận được hồ sơ hợp lệ; nếu cần xác minh thêm thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày.
Lệ phí:
Trường hợp cha mẹ của trẻ không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì hướng giải quyết cũng giống như đã đề cập ở phần trên.

Vợ chồng tôi đều có hai quốc tịch: Việt Nam và nước ngoài. Sắp tới gia đình tôi sẽ hồi hương về Việt Nam. Xin hỏi, nếu chúng tôi sinh con khi đang ở Việt Nam thì con tôi có được mang hai quốc tịch hay không?
Theo qui định tại điều 16 Luật Quốc tịch thì: trẻ em sinh ra có cha và mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam không kể trẻ em đó sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Căn cứ theo điều luật này thì trước tiên con của vợ chồng bạn chắc chắn sẽ mang quốc tịch Việt Nam. Riêng việc trẻ có thể có thêm quốc tịch nước ngoài hay không tuỳ thuộc vào pháp luật của quốc gia mà vợ chồng bạn mang quốc tịch. Trong trường hợp này nhiều khả năng quốc gia đó chấp thuận cho con bạn được nhận thêm một quốc tịch nữa ngoài quốc tịch Việt Nam đã có. Bởi vì nếu quốc gia đó theo nguyên tắc một quốc tịch thì các bạn sẽ không thể có cùng lúc hai quốc tịch như hiện nay.

5. Thủ tục gia hạn hộ chiếu Việt Nam ở nước ngoài:
Cơ sở pháp lý: Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 01/3/2000 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Thông tư liên tịch số 03/2002/TTLT-BCA-BNG ngày 29/01/2002 hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài theo Nghị định 05/2000/NĐ-CP;
Về nguyên tắc, hộ chiếu phổ thông có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp. Khi hết hạn có thể gia hạn một lần với thời hạn không quá 3 năm. Trong vòng 12 tháng trước khi hộ chiếu hết hạn, người mang hộ chiếu phải trực tiếp mang hộ chiếu của mình đến cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự (gọi chung là cơ quan đại diện) để làm thủ tục gia hạn hộ chiếu.
Thủ tục:
- Nhận và điền vào tờ khai đề nghị gia hạn hộ chiếu theo mẫu do cơ quan đại diện phát
- Nộp kèm hộ chiếu
Sau khi xem xét cơ quan đại diện sẽ giải quyết theo các hướng như sau:
- Nếu xác định hộ chiếu của người đề nghị gia hạn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu bị tẩy xoá ở trang nhân thân, không bị thay ảnh, thay trang hoặc khâu lại hộ chiếu, không thuộc trường hợp chưa được cấp gia hạn hộ chiếu thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện sẽ cấp gia hạn hộ chiếu
- Nếu hộ chiếu của người đề nghị gia hạn có dấu hiệu không bình thường như: bị tẩy xoá, sửa chữa ở trang nhân thân, thay ảnh, thay trang hoặc khâu lại hộ chiếu thì cơ quan đại diện gửi công văn, kèm theo bản sao hộ chiếu và ảnh đến cơ quan đã cấp hộ chiếu để xác minh. Thời gian chờ kết quả xác minh là 45 ngày. Trong trường hợp cơ quan xác minh trả lời không cấp hộ chiếu đó thì cơ quan đại diện sẽ không gia hạn mà thu hồi hộ chiếu có dấu hiệu không bình thường; đồng thời yêu cầu người mang hộ chiếu khai báo rõ ràng, chính xác để xem xét giải quyết cấp lại hộ chiếu khác
- Nếu hộ chiếu có dấu hiệu không bình thường như kể trên nhưng người mang hộ chiếu xuất trình được giấy tờ chứng nhận nhân thân có ảnh có dóng dấu giáp lai do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì cơ quan đại diện sẽ xem xét, quyết định cấp hộ chiếu mới thay cho hộ chiêu cũ đã bị hư hỏng mà không cần phải tiến hành xác minh.
Lưu ý: đối với hộ chiếu cấp cho người dưới 16 tuổi; đã hết hạn sử dụng thì cơ quan đại diện không gia hạn mà hướng dẫn người mang hộ chiếu làm thủ tục cấp lại hộ chiếu.
Những trường hợp sau đây chưa được cấp gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu:
- Vì lý do an ninh quốc gia và trệt tự an toàn xã hội của Việt Nam
- Người mang hộ chiếu đang cư trú ở nước ngoài theo qui chế tị nạn
- Quốc tịch, nhân thân và các chi tiết kê khai không rõ ràng hoặc không có cơ sở để xác định nội dung kê khai là đúng sự thật
- Giả mạo hồ sơ hoặc khai không đúng sự thật
- Mua, bán hoặc cho người khác mượn và sử dụng hộ chiếu
- Cố ý làm hư hỏng hộ chiếu
Lệ phí gia hạn hộ chiếu ở nước ngoài là 20 USD; lệ phí bổ sung, sửa đổi, dán ảnh trẻ em là 10 USD;

6. Thủ tục xin cấp lại hộ chiếu do bị hư hỏng (rách, bẩn), hết trang hoặc hết hạn sử dụng
Hồ sơ xin cấp lại hộ chiếu trong các trường hợp trên gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu
- 03 ảnh 4 x 6 cm
- Hộ chiếu cũ bị hư hỏng, hết trang hoặc hết hạn sử dụng
Trường hợp hộ chiếu bị hư hỏng, hết trang hoặc hết hạn sử dụng nhưng trang nhân thân và ảnh còn nguyên vẹn, không bị tẩy xoá hoặc đối chiếu ảnh trong tờ khai và trong hộ chiếu cũ đúng với người đề nghị, không thuộc trường hợp chưa được cấp hộ chiếu thì trong thời hạn
Trường hợp hộ chiếu có dấu hiệu không bình thường thì hướng xử lý của cơ quan đại diện giống như trường hợp gia hạn hộ chiếu đã đề cập ở trên. Trong trường hợp này, người đề nghị cấp lại hộ chiếu cũng phải chờ đợi trong vòng 45 ngày làm việc.
Đối với những hộ chiếu được giải quyết cấp lại do bị hư hỏng, hết trang hoặc hết hạn sử dụng thì cơ quan đại diện sẽ ghi chú vào hộ chiếu mới nội dung “hộ chiếu này thay cho hộ chiếu số … do … cấp ngày … tháng … năm …” và cắt góc hộ chiếu cũ nhưng không thu hồi.
Lệ phí cấp lại hộ chiếu do để hỏng hoặc mất hộ chiếu cũ là 100 USD.
7. Thủ tục xin cấp lại hộ chiếu do bị mất
Người bị mất hộ chiếu nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện, gồm cá loại giấy tờ sau:
- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu
- 03 ảnh 4 x 6 cm
- Đơn trình báo mất hộ chiếu có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại, nơi người đó trình báo
Nếu hộ chiếu bị mất là do chính cơ quan đại diện cấp thì sau khi kiểm tra đối chiếu với hồ sơ lưu hoặc hồ sơ đăng ký công dân, nếu xác định yếu tố nhân sự mà người đề nghị khai là chính xác, không thuộc trường hợp chưa được cấp hộ chiếu thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện cấp lại hộ chiếu.
Nếu hộ chiếu bị mất là do cơ quan khác cấp thì người đền nghị được cấp lại hộ chiếu phải chờ đợi trong thời gian 45 ngày để cơ quan đại diện gửi công văn đề nghị cơ quan đã cấp hộ chiếu trước đây xác minh để quyết định việc cấp lại hay không cấp lại hộ chiếu cho người báo mất hộ chiếu.
Lưu ý: công dân Việt Nam đang ở nước ngoài nếu bị mất hộ chiếu Việt Nam thì phải báo ngay cho cơ quan đại diện biết để cơ quan này thông báo với các cơ quan hữu quan như cơ quan đã cấp hộ chiếu; Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan có chức năng quản lý xuất nhập cảnh của nước sở tại để đề phòng bị kẻ khác sử dụng hộ chiếu của mình cho mục đích xấu.
Lệ phí cấp lại hộ chiếu do bị mất hộ chiếu cũ là 100 USD