Dự án Luật Gia Đình

Tháng 3.2009, ông Lâm Thành đến UBND xã T.D, huyện L.V, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu đăng ký làm cha nuôi cháu bé chưa tròn một tuổi. Tại thời điểm đăng ký và xác lập quan hệ nuôi con nuôi thì ông Thành trong tình trạng độc thân, do đó khi đăng ký khai sinh cho con nuôi, bản chính giấy khai sinh chỉ có tên cha, không ghi tên mẹ. Sự việc tưởng chừng đơn giản, nhưng đến tháng 5.2010 ông Thành đăng ký kết hôn với bà Trần Thị Ngọc Hoa. Khi có giấy chứng nhận kết hôn, ông Thành đến UBND xã yêu cầu ghi tên người vợ mới cưới của mình vào giấy khai sinh của con nuôi để người con nuôi có cha, mẹ trong hồ sơ, sau này không ảnh hưởng đến tình cảm cha mẹ và thuận lợi trong cuộc sống. UBND xã đã tra cứu các quy định pháp luật, nhưng vẫn không rõ trường hợp trên có được giải quyết hay không, vì pháp luật hiện hành không quy định về trường hợp này.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định rõ điều kiện của người được nhận làm con nuôi, theo đó một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của cả hai người là vợ chồng. Tuy nhiên, trong điều luật này chỉ công nhận việc nuôi con nuôi khi tại thời điểm nhận nuôi con nuôi cả hai người là cha, mẹ nuôi phải là vợ chồng. Luật cũng như các văn bản hướng dẫn không quy định một người độc thân xác lập quan hệ nuôi con nuôi, sau đó kết hôn thì vợ/chồng của họ được quyền xác lập quan hệ nuôi con nuôi tiếp theo, để trở thành cha/mẹ nuôi. Điều này đã gây rắc rối cho chính quyền sở tại, khi người dân có yêu cầu giải quyết, như trường hợp của ông Thành.

Mặt khác trên thực tế, khi nhận nuôi con nuôi ông Thành trong tình trạng độc thân, điều này hoàn toàn phù hợp với quy định và pháp luật không cấm. Nhưng sau đó, người vợ hợp pháp của ông Thành lại tiếp tục đăng ký nuôi con nuôi đối với đứa con nuôi của chồng mình thì liệu có mâu thuẫn với quy định chung về nuôi con nuôi hay không? (vì đứa con nuôi chỉ có thể làm con nuôi của một người, hoặc của cả hai người là vợ chồng).